Sử dụng máy lạnh thì thật đơn giản, nhưng làm thế nào để dùng máy lạnh tiết kiệm điện thì không phải trong chúng ta ai cũng biết.
Dưới đây là là một số lưu ý bạn cần quan tâm khi dùng máy lạnh để tiết kiệm điện tối ưu nhất.
Tiết kiệm điện từ khi xây dựng
- Cách nhiệt tường và trần càng tốt, tổn thất nhiệt càng nhỏ, điện điều hoà càng tốn ít, tuy nhiên cách nhiệt càng dày đầu tư ban đầu càng lớn.
- Nói chung nên xây dựng tường đôi gạch rỗng hoặc 2 tường đơn ở giữa có lớp cách nhiệt Polystirol dày 50mm là đủ. Để giảm chiều dày có thể xây 1 lớp tường đơn, đặt 1 lớp cách nhiệt 50mm (hoặc 25mm), sau đó vỉa thêm một lớp gạch rỗng nghiêng ra ngoài cũng được.
- Phòng lắp máy lạnh nên để diện tích cửa sổ kính nhỏ, có 2 lớp kính càng tốt. Cửa kính cần có cơ cấu che nắng phía ngoài nhà.
Tiết kiệm điện trong lựa chọn máy
- Hiện nay có 2 dòng máy lạnh là máy lạnh thông thường và máy lạnh inverter biến tần. Máy thông thường là máy nén kiểu đóng ngắt ON – OFF, khi điều chỉnh năng suất lạnh và nhiệt độ phòng.
- Đặc điểm của loại máy này là nhiệt độ trong phòng dao động mạnh, máy làm việc theo chu kỳ đóng ngắt và tiêu thụ điện năng tương đối cao.
- Máy lạnh inverter biến tần là loại máy mới, hiện đại, điều chỉnh năng suất lạnh và nhiệt độ phòng bằng cách thay đổi vòng quay trục khuỷu máy nén.
- Nhờ cách điều chỉnh này cũng như nhờ thay động cơ xoay chiều bằng động cơ một chiều, ống mao bằng van tiết lưu điện tử… nên tiêu tốn điện năng có thể giảm tới 50% so với máy thông thường.
- Tất nhiên giá máy này cũng đắt hơn khoảng 30%. Tuy nhiên giá đầu tư ban đầu cao hơn nhưng sẽ nhanh chóng được bù lại nhờ giá vận hành giảm và vòng đời của máy cao (khoảng 13 năm).
Tiết kiệm điện trong lắp đặt
- Chọn vị trí lắp đặt giàn nóng sao cho không bị nắng chiếu vào.
- Hướng tốt nhất là hướng Bắc, sau đó là hướng Nam, hướng Đông và Tây.
- Nếu lắp ở hướng Nam, Đông hoặc Tây nên có mái che nắng nhưng mái không được ảnh hưởng tới gió vào và ra khỏi giàn nóng.
- Ở những nơi có nhiều gió không được lắp giàn đối diện với hướng gió.
- Tốt nhất là quạt thổi vuông góc với hướng gió.
- Ngoài ra, giàn nóng không được lắp đặt ở các nơi có nguồn nhiệt, hơi nước, khói thải, hoá chất gây bẩn và ăn mòn.
- Trường hợp có nhiều giàn nóng, gió nóng không được quẩn từ giàn này sang giàn kia.
- Chọn vị trí lắp đặt giàn nóng và giàn lạnh càng gần nhau càng tốt để đường ống ga là ngắn nhất và độ cao chênh lệch giữa 2 giàn là nhỏ nhất, đường ống càng dài độ cao càng lớn thì điện tiêu tốn càng nhiều .
- Thông thường, máy điều hoà dân dụng, chiều dài đường ống ga không nên vượt quá 5m và chênh lệch độ cao không nên quá 3m. Khi chiều dài đường ống ga 15m và độ cao 5m thì năng suất lạnh giảm chừng 15%, còn điện năng tiêu thụ tăng thêm khoảng 20%
- Nạp thừa ga, thiếu ga, đi đường ống gió không chuẩn, cách nhiệt đường ống ga và các mối nối không chuẩn, chọn hướng thổi gió không chuẩn, máy đặt quá nghiêng, để sót bụi bẩn và khí không ngưng trong máy… đều dẫn tới hiệu suất máy giảm và điện năng tiêu thụ tăng cao vọt.
Tiết kiệm điện trong vận hành
- Nhiệt độ trong nhà đặt càng cao thì càng ít tốn điện, một mặt do tải lạnh giảm, thời gian chạy máy ít hơn, mặt khác do hiệu suất máy cao hơn.
- Nói chung khi nhiệt độ ngoài nhà 35oC thì nhiệt độ trong nhà là 27oC và khi nhiệt độ ngoài nhà là 38oC thì nhiệt độ trong nhà có thể lên đến 28 ÷ 29oC. Độ chênh nhiệt độ trong và ngoài nhà khoảng 4 – 9 độ là hợp lý. Không nên đặt nhiệt độ trong nhà dưới 27oC vừa đảm bảo sức khoẻ vừa đỡ tốn điện.
- Nếu máy không có chế độ ngủ, hãy tăng nhiệt độ phòng thêm 2oC, nếu cảm thấy nóng lúc đầu, hãy bổ sung thêm quạt trong vòng 1h. Không đặt nhiệt độ thấp đến mức phải nằm đệm và đắp chăn khi ngủ.
- Để bảo quản và đảm bảo các thông số hoạt động, người sử dụng phải định kỳ vệ sinh phin lọc không khí cho mặt nạ giàn lạnh 2 tuần /1 lần. Vệ sinh ít nhất 1 năm 1 lần cho cả giàn lạnh và giàn nóng bằng phụt rửa.
- Hãy tắt máy lạnh khi ra khỏi phòng, tắt bằng điều khiển từ xa, sau đó ngắt áp tômát. Nếu chỉ tắt bằng điều khiển máy vẫn tiêu thụ khoảng 15W.