Hen suyễn là bệnh có cơ chế dị ứng mà nguyên nhân là do môi trường sống
Bệnh hen suyễn (còn gọi là hen phế quản) là một bệnh hô hấp mạn tính, đặc trưng bởi tình trạng viêm niêm mạc đường thở, dẫn đến phù nề, co thắt phế quản, tăng tiết dịch nhày và tăng tính phản ứng phế quản. Các yếu tố này phối hợp khiến đường thở bị chít hẹp, người bệnh trong tình trạng khó thở, khò khè và thở rít.
Hen phế quản là bệnh có cơ chế dị ứng trong phần lớn các trường hợp. Sự kết hợp giữa các dị nguyên gây bệnh ở trong môi trường sống (như bụi nhà, phấn hoa, thay đổi nhiệt độ…) với các kháng thể dị ứng ở trong cơ thể làm khởi phát phản ứng viêm theo cơ chế dị ứng ở niêm mạc đường thở và gây ra các triệu chứng hen.
Tỷ lệ mắc bệnh đang có xu hướng gia tăng ở nhiều nơi trên thế giới. Hiện thế giới có khoảng 300 triệu người bệnh hen và có thể sẽ tăng lên 400 triệu người vào năm 2025.
Mỗi năm trên thế giới có khoảng 180.000 đến 250.000 trường hợp tử vong do hen, trung bình cứ 250 người tử vong thì có 1 trường hợp là do hen suyễn.
Dùng máy lạnh cũ nhiệt độ không đúng cách sẽ gây khởi phát cơn hen
Sau khi lao động ngoài trời, hoạt động vui chơi, thể thao thì mồ hôi đầm đìa đột ngột vào phòng máy lạnh có nhiệt độ quá chênh lệch với nhiệt độ bên ngoài môi trường dẫn đến hiện tượng thay đổi thân nhiệt nhanh chóng gây khởi phát các cơn hen cấp tính ở bệnh nhân hen phế quản.
Những dấu hiệu báo trước một cơn hen phế quản sắp xuất hiện là ngứa họng, ngứa mũi, hắt hơi, ho, chảy nước mắt, nước mũi… Sau những dấu hiệu đó, cơn hen phế quản xuất hiện với các triệu chứng: khò khè nặng cả khi bệnh nhân hít vào lẫn thở ra, ho liên tục, thở rất nhanh.
Lưu ý khi dùng máy lạnh nhiệt độ cho người hen suyễn
Để cơn hen cấp tính không khởi phát bệnh khi sử dụng máy lạnh cần lưu ý:
- Để nhiệt độ máy lạnh không chênh lệch nhiều với nhiệt độ môi trường (khoảng 4-5°C) và tránh để luồng gió máy lạnh. Những người bắt buộc phải làm việc trong những phòng máy lạnh trung tâm, nhiệt độ thấp nên mang theo áo khoác, áo dài tay khi làm việc…
- Kiểm soát độ ẩm góp phần tạo ra môi trường không khí lành mạnh trong phòng. Độ ẩm không khí quá thấp hoặc quá cao có thể gây ra bệnh hen.
- Để chậu nước trong phòng dùng máy lạnh giúp tăng độ ẩm cho phòng.
- Ngoài ra, nếu sử dụng máy lạnh cũng nên sử dụng thêm máy tạo độ ẩm. Nhưng cũng chỉ sử dụng làm ẩm nhẹ, không để độ ẩm lớn dễ làm viêm đường hô hấp hơn.
Tránh sự thay đổi đột ngột:
- Tránh để luồng gió máy lạnh thổi thẳng vào nơi nằm ngủ.
- Khi đi ngoài nắng về, ra nhiều mồ hôi, lau mồ hôi, ngồi ở ngoài một lúc tránh vào ngay phòng dùng máy lạnh quá lạnh. Nếu muốn ra khỏi phòng máy lạnh nên mở phòng, đứng vài phút cho quen với môi trường xung quanh rồi mới ra ngoài.
- Hạn chế đi ra, đi vào giữa hai nơi có nhiệt độ chênh lệch nhiều lần.
Cần lưu ý thời gian sử dụng điều hòa cho người bệnh suyễn:
- Ngồi trong phòng có máy lạnh cả ngày là điều hoàn toàn không nên. Những người mắc bệnh hen không nên ở trong phòng điều hòa quá 4 giờ.
- Trước khi ra khỏi phòng 30 phút, nên tắt máy lạnh , mở cửa phòng cho không khí được lưu thông và để cơ thể dần thích nghi với nhiệt độ bên ngoài.
Chăm sóc bệnh nhân hen suyễn khi dùng máy lạnh
- Nên nhỏ mũi thường xuyên bằng dung dịch nước muối sinh lý để giữ độ ẩm cần thiết trong cơ thể, tránh khô mũi.
- Ăn những loại thức ăn, đồ uống giải nhiệt như nước cam nước chanh.
- Nên uống nhiều nước, đặc biệt là trong thời tiết nóng bức để tránh hiện tượng mất nước.
- Khi ngủ, hãy đắp một tấm chăn mỏng, đặc biệt che kín vùng bụng, tránh lỗ chân lông giãn nở dễ dẫn tới bị cảm lạnh. Cần chọn những bộ quần áo thấm mồ hôi tốt như đồ cotton.
- Nên bật quạt thông gió khi sử dụng máy lạnh
- Khi có triệu chứng khó thở, thở co thắt vùng ngực thì cần đi khám ở cơ sở y tế uy tín, không nên tự ý mua thuốc điều trị.
Đảm bảo vệ sinh máy lạnh định kỳ để loại bỏ các tác nhân gây dị ứng
- Vệ sinh máy lạnh định kỳ, thay đổi hoặc làm sạch bộ lọc không khí hàng tháng, tránh các loại nấm mốc, mầm bệnh lưu trú trong máy.
- Phòng bật máy lạnh thường xuyên cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ.
- Khi không bật máy lạnh, mở cửa phòng cho thoáng khí. Vì sự thông gió trong nhà ít hơn có thể làm tăng nồng độ chất gây kích thích và gây dị ứng trong nhà.
- Nên cho không khí sạch ngoài trời vào nhà để làm loãng các chất gây dị ứng và cải thiện chất lượng không khí trong nhà.